Lịch sử hình thành nghề chế tác đá mỹ nghệ

Kim Chi 22/01/2018


Xã Ninh Vân - Hoa Lư – Ninh Bình là nơi có nguồn nguyên liệu đá mỹ nghệ rất phong phú, vì vậy từ xa xưa đã hình thành nên nghề truyền thống về các sản phẩm đá. Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, nghề chế tác đá mỹ nghệ nơi đây đã kế thừa được những giá trị tinh hoa do tiền nhân để lại.

Về lịch sử hình thành
Hiện chưa có một công trình nghiên cứu nào khẳng định chính xác về thời gian xuất hiện của nó, chỉ có truyền thuyết về vị tổ nghề đá ở xã Ninh Vân đã được các cụ cao niên kể lại. Tư liệu trong luận văn: Nghề thủ công truyền thống chạm khắc đá ở xã Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) từ 1986 đến 2003, của tác giả Phạm Thị Loan cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ TK X đã có kinh đô Hoa Lư được mệnh danh là kinh đô đá với những công trình kiến trúc cùng những sản phẩm bằng đá nổi tiếng, nhiều đồ thờ bằng đá ở động Thiên Tôn hay ở đền Thái Vi (xã Ninh Hải) thờ các vua nhà Trần có những bức y môn, cửa võng rất đẹp được làm bằng đá, chẳng khác gì các bức chạm trên gỗ. Rõ ràng nghề chạm khắc đá ở kinh đô Hoa Lư từ thời Đinh, tiền Lê đã phát triển, Ninh Vân vốn thuộc vùng đất kề cận kinh đô, vì vậy nghề chế tác đá ở Ninh Vân có thể đã có từ khi ấy.

Những người thợ chạm khắc đá thời Đinh, tiền Lê dù là người gốc ở Hoa Lư hay từ nơi khác đến thì đều là những người có công lao làm ra những công trình, sản phẩm bằng đá tuyệt tác, lại vừa có công truyền dạy nghề này trong vùng. Căn cứ vào thần tích hiện còn lưu giữ tại đình làng Xuân Phúc và truyền thuyết từ xa xưa kể lại thì nghề chạm khắc đá ở Ninh Vân có từ thời hậu Lê (khoảng TK XVII), ông tổ nghề chạm khắc đá có tên là Hoàng Sùng, người ở làng Nhồi (Thanh Hóa) đã sang đây truyền nghề. Làng Nhồi vốn thuộc xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa có nghề chạm khắc đá nổi tiếng không chỉ trong vùng mà còn vang khắp cả nước. Nghề chạm khắc đá ở núi Nhồi được cho là có từ thời nhà Lý”.

Các nghệ nhân làng Nhồi, từ xưa đến nay, đã tạo ra nhiều loại hình sản phẩm như: đồ thờ cúng, tượng đá, bia đá, các tác phẩm điêu khắc đá ở khu điện miếu Lam Kinh đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ như các tượng rồng, tượng người, tượng thú... những tác phẩm độc đáo này đã góp phần quan trọng hình thành nên dòng chảy và đặc điểm qua mỗi thời kỳ của nghệ thuật điêu khắc đá truyền thống ở Việt Nam. Trên bình diện văn hóa, nghệ thuật, chạm khắc đá dân gian truyền thống xứ Thanh đem lại sự đa dạng về các nghề thủ công và diện mạo văn hóa dân gian truyền thống trên đất Cửu Chân xưa. Cũng có thể do vị trí địa lý (Ninh Bình giáp Thanh Hóa) và nguồn tài nguyên dồi dào (Hoa Lư là huyện có nhiều núi đá) nên nghề chạm khắc đá từ Thanh Hóa đã lan truyền sang Ninh Vân và đã được người dân tiếp nhận, phát triển. Như vậy, hai nguồn tư liệu được dẫn ra đã minh chứng cho lịch sử nghề đá ở xã Ninh Vân tương đối nhất quán.
Về vị tổ nghề
Tương truyền cụ Hoàng Sùng là người rất tài giỏi chế tác đá, cụ đã đến đây sinh sống lập nghiệp và truyền dạy nghề chạm khắc đá cho người dân địa phương. Vì có công lớn như vậy, cụ đã được nhân dân tôn vinh là tổ nghề và được phối thờ cùng các vị thành hoàng làng. Ở làng Hệ, Xuân Vũ cứ đến ngày 15-8 âm lịch, nhân dân lại tổ chức tế khai sơn và giỗ tổ nghề để tưởng nhớ người đã có công dạy dân làng nghề chạm khắc đá, đem lại một cuộc sống ấm no cho cư dân nơi đây.

Thợ đá mỹ nghệ luôn tỉ mỉ trong từng công đoạn

Nghề chạm khắc đá Ninh Vân từ lâu đã nổi tiếng bởi những sản phẩm độc đáo. Các cụ cao niên cho biết: Xưa kia, những người thợ đá ở Ninh Vân (thôn Hệ, Xuân Phúc, Xuân Thành, Côn Lăng) đã tham gia làm một số công trình nổi tiếng trong nước có giá trị nghệ thuật cao: lăng Bà chúa Liễu ở Phủ Vân Cát (Vụ Bản, Nam Định), nhà thờ đá Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), lăng Khải Định (Huế), tượng phật ở chùa Hương Tích (Hà Tây), đền Thái Vi (Hoa Lư, Ninh Bình), những công trình, sản phẩm bằng đá phục vụ đời sống tâm linh tại các di tích lớn như đình, đền, chùa, lăng tẩm, tượng phật, đồ mỹ nghệ… Cũng từ việc tham gia xây dựng các công trình bằng đá mà người thợ đá Ninh Vân đã được nhiều nơi biết đến với tay nghề cao, chế tác đá tinh xảo. Hiện nay, các sản phẩm của làng đá Ninh Vân rất đa dạng, nhiều về số lượng và chủng loại. Những tư liệu cho biết, nhiều công trình bằng đá trên đất nước ta đều có sự tham gia của các hiệp thợ đá Ninh Vân: cụm tượng đài nghĩa trang Trường Sơn, tượng Mẹ Suốt ở Quảng Bình, tượng đài Bác Hồ ở quảng trường Hồ Chí Minh (Thành phố Vinh, Nghệ An), tượng Trần Hưng Đạo ở Kinh Môn (Hải Dương), các pho tượng La Hán đặt tại chùa Bái Đính… Người dân Ninh Vân cũng vinh dự khi có những nghệ nhân, những người thợ có tay nghề cao như: Nguyễn Văn Ban, Đỗ Phương, Đỗ Đức, Nguyễn Văn Trân… được tham gia xây dựng lăng Bác tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

(tổng hợp)
 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN