Đôi nét về phong tục cúng giỗ của người việt nam

Hạnh Nguyễn 10/09/2018

Theo phong tục tập quán của người Việt từ xưa tới nay, người ta lấy ngày mất theo lịch âm để làm ngày giỗ cho người thân đã khuất. Trong ngày này, ngoài việc thăm viếng mộ phần, tùy vào hoàn cảnh từng gia đình mà mỗi nhà có một cách cúng giỗ riêng.

Giỗ còn là dịp để con cháu, những người thân trong gia đình cùng nhau tụ họp, tưởng nhớ đến người đã khuất, nhận họ hàng và bàn bạc những công việc chung của gia đình, dòng tộc.

Cúng giỗ vốn được coi là phong tục đẹp trong văn hóa của người Việt Nam, điều đó thể hiện đáo hiếu, lòng kính trọng, tiếc thương của người sống đối với người đã khuất. Có 3 “mốc” trong tục cúng giỗ của người Việt Nam vốn được coi trọng từ xưa đến nay đó là: Giỗ đầu, Giỗ hết và Giỗ thường.

1. Vào ngày giỗ đầu

Giỗ đầu là ngày giỗ đầu tiên, được tổ chức sau 01 năm đúng ngày mất (theo âm lịch), đây là quãng thời gian còn nằm trong kỳ tang nên không khí của ngày giỗ thường mai nét bi ai, buồn thảm. Vào ngày này, con cháu mặc đồ tang phục ( hoặc đeo băng để tang trên ngực). Ở một số gia đình, người thân quá cố vẫn khóc than tạo không khí nhớ thương buồn thảm. Những người khách đến ăn giỗ luôn trong tư thế trang phục chỉnh tề, thái độ trang nghiêm, không cười đùa hoặc có những cử chỉ thiếu nghiêm túc.

2. Ngày Giỗ hết

Đây là ngày giỗ sau ngày người mất được 02 năm. Theo tục lệ thời gian này nằm trong kỳ tang nên vẫn được tổ chức một cách trang nghiêm, long trọng. Ngày giỗ hết được coi là giỗ quan trọng nhất trong tất cả những ngày giỗ đối với người đã qua đời, bởi nó đánh dầu bước ngoặt trong cuộc đời người còn sống với vong linh đã khuất.

Sau ngày này 03 tháng, người nhà sẽ chọn một ngày tốt để làm lễ Đoạn tang – Hết tang. Trong lễ này người ta thường làm ba việc chính sau đây:

+ Tu sửa, xây mới mộ phần cho người thân đã khuất.

+ Đốt hoặc tiêu hủy một số thứ thuộc tang lễ như: khăn áo, băng tang, câu đối…

+ Báo cáo với tổ tiên để xin rước bát hương vào bàn thờ gia tiên.

Sau lễ này, mọi người thân trong gia đình trở lại cuộc sống bình thường, có thể tham gia các hoạt động vui chơi, hội hè, đám cưới; với người vợ hoặc chồng có thể đi bước nữa.

3. Ngày Giỗ thường

Đây là ngày giỗ sau khi người mất được ba năm trở đi. Trong dịp này, con cháu mặc đồ thường phục, không còn tang phục nữa. Là ngày để con cháu sum họp để tưởng nhớ người đã khuất, vui vẻ nhận biết họ hàng, người thân, bàn chuyện dòng họ. Đối với dịp giỗ này thường được tổ chức với quy mô nhỏ gọn, trong phạm vi gia đình chứ không mời rộng rãi như 2 kỳ giỗ trên.

Theo Ninh Binh Stone