Làng đá mỹ nghệ ninh bình: đi tìm lời giải để vươn xa

Admin 07/12/2017

Trong những năm vừa qua, nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Bình phát triển khá mạnh, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, để làng nghề vươn xa hơn thì cần nhiều biện pháp tích cực để nâng cao hơn giá trị sản phẩm.
Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân - Hoa Lư là một trong những làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình và của cả nước. Việc nghiên cứu tìm hiểu, đánh giá đúng giá trị văn hóa của các sản phẩm mà làng nghề và các thế hệ nghệ nhân đã sáng tạo ra có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn về thực tiễn sản xuất, chúng ta mới có thể hoạch định phương hướng và giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa và góp phần vào việc duy trì sự ổn định và phát triển của làng nghề.
Thực tế sản xuất còn mang tính tự phát?
Ở xã Ninh Vân - Hoa Lư, nghề chế tác đá mỹ nghệ đã gắn bó và tồn tại với người dân hàng trăm năm. Người nghệ nhân với khối óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của mình đã thổi hồn những phiến đá tưởng khô khan thành những tác phẩm nghệ thuật làm lay động lòng người. Theo thời gian, nghề chế tác đá mỹ nghệ cũng có lúc thăng trầm, song với tâm huyết và tình yêu nghề, người Ninh Vân đã, đang nỗ lực để làng nghề ngày càng phát triển.
Hiện nay 13/13 thôn của xã đều tham gia sản xuất đá mỹ nghệ với khoảng 1.366/2.555 hộ, 2.775 lao động chuyên làm nghề đá mỹ nghệ, ngoài ra còn một lượng lớn lao động thời vụ vào những lúc cao điểm. UBND xã đã thành lập Ban quản lý làng nghề và được tỉnh quy hoạch 23 ha thành lập làng nghề tập trung. Đến nay làng nghề đã hoàn thành giai đoạn 1 với diện tích 11 ha, đưa 69 cơ sở, hộ sản xuất đá mỹ nghệ (có 19 doanh nghiệp) vào hoạt động. Bên cạnh đó, các hộ gia đình sản xuất đá mỹ nghệ còn tận dụng đất vườn của gia đình làm khu vực sản xuất đá mỹ nghệ. 


 
Người dân làng nghề đang chế tác sản phẩm

Hàng tháng, thu nhập của người lao động đạt từ 4-7 triệu đồng/người. Doanh thu từ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 80% giá trị sản xuất của toàn xã và góp phần tích cực vào việc giảm hộ nghèo của xã xuống còn 2,45%.
Tuy xã Ninh Vân đã triển khai quy hoạch làng nghề tập trung sản xuất đá mỹ nghệ với diện tích 23 ha nhưng bước đầu mới thực hiện được 11 ha và đã giao quyền sử dụng đất cho gần 70 hộ kinh doanh.
Trên thực tế, làng nghề sản xuất đá mỹ nghệ còn manh mún, thiếu tập trung, còn mang nhiều tính tự phát. Sản phẩm của làng nghề mới phát huy và dừng lại ở các sản phẩm lớn, còn sản phẩm vừa và nhỏ phục vụ khách du lịch thì ít, thị trường tiêu thụ bó hẹp. Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, đó là khu tập trung sơ chế đá chưa được hình thành.
Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp mang tính tự phát, chưa có kế hoạch phát triển cụ thể, cũng như chưa có sự liên minh, gắn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp. Sự cạnh tranh còn thiếu lành mạnh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức…
Lời giải để làng nghề phát triển bền vững
Để làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân phát triển một cách bền vững rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành. Song, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải thực hiện tốt việc tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, khai thác nguồn hàng, không ngừng đổi mới, cải tiến mẫu mã, đa dạng loại hình sản phẩm phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước, hướng tới xuất khẩu mặt hàng này. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần phải kiên quyết hơn trong việc xử lý những trường hợp cố tình lấn chiếm đất công mở xưởng sản xuất, không chịu di dời, có như vậy mới tạo sự công bằng trong sản xuất, kinh doanh.
 


Cần có nhiều giải pháp mới để nâng cao tay nghề nghệ nhân

Việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho các thợ nghề đá cần chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, cần kết hợp với việc nâng cao trình độ tay nghề của các nghệ nhân để họ thực sự là các "bàn tay vàng" sáng tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm mới. Sự kết hợp giữa nhiều thế hệ lao động trong làng nghề nhằm mục đích khôi phục và phát triển làng nghề theo hướng công nghiệp, hiện đại nhưng vẫn duy trì và phát huy tính truyền thống và vai trò cực kỳ quan trọng của các nghệ nhân.
 


Đổi mới trong quy hoạch là vấn đề cấp thiết của làng nghề hiện nay

Tuy việc sản xuất còn có nhiều khó khăn trong cơ chế thị trường, nhưng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước trên các mặt, sự sáng tạo của các nghệ nhân và thợ nghề, chắc chắn làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Bình sẽ tiếp tục hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, góp phần vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vào việc phát triển du lịch và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân làng nghề.
Ông Lê Ngọc Tùng - Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Đá mỹ nghệ Ninh Bình cho biết “Hiện nay, các doanh nghiệp đang nỗ lực phấn đấu đưa sản phẩm của làng nghề tiếp cận nhiều hơn với thị trường của 64 tỉnh thành cả nước và xuất khẩu ra một số nước trong khu vực. Sản phẩm của làng nghề không chỉ có giá trị thẩm mỹ cao mà còn có độ bền vĩnh cửu cùng thời gian”. Ông cũng mong muốn, Đảng và Nhà nước sẽ có nhiều chính sách hay để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp trẻ, giúp làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Bình luôn được bảo tồn và vươn xa hơn nữa.

 

Ninh Bình Stone

 

 

 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN